Sáng nay, 25/3, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành lần 2 nhiệm kỳ III, quyết nghị nhiều định hướng quan trọng cho công tác năm 2023.
Thay mặt Ban thường vụ, ông Vũ Kiêm Văn – Phó Chủ tịch kiêmTổng thư ký VDCA – đã báo cáo kết quả hoạt động của Hội năm 2022 và kế hoạch dự kiến năm 2023.
Đối với công tác tổ chức, Hội đã kiện toàn tổ chức các đơn vị chức năng, đơn vị trực thuộc Hội, kiện toàn tổ chức Chi hội Truyền thông số phía Nam, thành lập CLB Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam. Một số đơn vị mới đã khẩn trương xây dựng bộ máy nội bộ, triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và bước đầu có những kết quả tích cực.
Đặc biệt, vào ngày 11/12/2022, Hội đã tổ chức thành công Đại hội Hội Truyền thông số Việt Nam nhiệm kỳ III, bầu chức danh Chủ tịch, các Ủy viên thường vụ và Ủy viên Ban chấp hành. Ông Nguyễn Minh Hồng đã tái đắc cử chức Chủ tịch VDCA.
Cũng trong năm 2022, một cán bộ của Hội là GS.TSKH Đỗ Trung Tá đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà khoa học Công nghệ tiêu biểu.
Về công tác phát triển Hội viên, trong năm 2022 Hội đã kết nạp được thêm 62 Hội viên tổ chức và 7 hội viên cá nhân. Đến nay, tổng số Hội viên cá nhân và tổ chức của VDCA là 474 người. Hội đã khởi động chương trình TechTour để kết nối các hội viên.
Về công tác Đảng, lãnh đạo Hội luôn phối hợp chặt chẽ với Chi bộ Cơ quan Hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về thích ứng an toàn, phòng chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện mới.
Đối với các hoạt động chuyên môn, Hội đã tham gia các hoạt động góp ý, tư vấn, phản biện chính sách và giám định xã hội như góp ý Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng; Góp ý kiến xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet nhằm thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam; Góp ý Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giao dịch điện tử; Luật Viễn thông… Hội đã tổ chức hơn 30 cuộc tọa đàm, hội thảo về kinh tế báo chí; Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet; Dữ liệu cá nhân xuyên biên giới…
Hội cũng đã tổ chức 30 khóa đào tạo cho các đơn vị tổng công ty, doanh nghiệp có vốn FDI, doanh nghiệp vừa, cấp chứng nhận cho 545 học viên của các công ty như SunGroup, PVPower, Micco-Vinacomin, CMC Global, Công ty Nhiệt điện Thái Bình, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc Gia, Nutricare…; Phối hợp triển khai các dự án tư vấn và đào tạo có sử dụng các nguồn vốn ODA hỗ trợ từ các chương trình dự án Hàn quốc, Singapore, Mỹ với các đối tác: Nipa, Samsung, shinsegae, Gartner, IPSC, Deloitte…
Tạp chí điện tử VietTimes – cơ quan ngôn luận của Hội đã luôn thông tin đầy đủ các hoạt động của ngành, của Hội và các doanh nghiệp Hội viên. Đặc biệt, VietTimes là đơn vị hậu cần tổ chức thành công Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Đây là Giải thưởng hàng năm của Hội Truyền thông số Việt Nam đã được tổ chức từ năm 2018.
Đến nay, qua 5 mùa tổ chức, Giải thưởng đã tiếp cận được hơn 13.000 lượt tổ chức, doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành; thu hút gần 1.400 hồ sơ tham dự; vinh danh gần 350 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số tiêu biểu và các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số xuất sắc.
Năm 2023: Phấn đấu kết nạp thêm 100 Hội viên tập thể, tiếp tục tham gia tư vấn, phản biện chính sách xã hội và tổ chức các giải thưởng về CNTT và chuyển đổi số
Theo ông Vũ Kiêm Văn, trong năm 2023, VDCA sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung nhân sự cho Ban thường vụ, Ban chấp hành. Chi bộ Đảng sẽ kết nạp đảng viên mới và chuyển sinh hoạt Đảng cho các Đảng viên có nhu cầu sinh hoạt đảng tại Chi bộ Cơ quan Hội Truyền thông số Việt Nam theo quy định.
Đối với hoạt động phát triển hội viên, VDCA sẽ đẩy mạnh việc phát triển hội viên tập thể và cá nhân; triển khai việc cấp Giấy chứng nhận hội viên, Thẻ hội viên. Phấn đấu năm 2023 kết nạp thêm 100 hội viên tập thể.
VDCA sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện chính sách xã hội như góp ý xây dựng các luật Nghị định về công nghệ số, truyền thông số, bản quyền và sở hữu trí tuệ; Nghiên cứu và đề xuất các chính sách để phát triển doanh nghiệp công nghệ, về các công nghệ mới như AI, Blockchain; Tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức khảo sát chỉ số chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Về hoạt động đào tạo và phổ biến kiến thức, Hội sẽ đẩy mạnh chương trình đào tạo, tọa đàm liên kết với các trường đại học tại Mỹ, Nhật, Pháp, Phần Lan và Hàn Quốc về chuyển đổi số, an toàn thông tin và dữ liệu lớn…
Về hoạt động truyền thông, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên Tạp chí điện tử VietTimes. Các bài viết trên tạp chí sẽ phản ánh sâu, chi tiết và có tính hệ thống về các hoạt động nổi bật của Hội, của các đơn vị trực thuộc và các hội viên, tuyên truyền, cổ vũ các cá nhân, doanh nghiệp hội viên.
Đặc biệt, trong năm 2023, Hội sẽ tổ chức khoảng 30-40 hội thảo, cũng như trao một số giải thưởng mới về chuyển đổi số và nội dung số.
Theo ông Vũ Kiêm Văn, bên cạnh Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam được tổ chức thường niên, năm nay Hội sẽ lần đầu tiên tổ chức Giải thưởng cho các nhà sáng tạo nội dung số, góp phần động viên các nhà sáng tạo nội dung số ở Việt Nam, đồng thời nâng cao vị thế của Hội trong việc khuyến khích và bảo vệ bản quyền trên môi trường số.
Trong tháng 10, Hội sẽ tổ chức Hội thảo về đô thị thông minh. Tháng 11 phối hợp với đối tác Singapore tổ chức sự kiện Vietnam Business Exchange tại Singapore. Sự kiện đã được sự ủng hộ của Bộ Thông tin Truyền thông, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và các đơn vị liên quan
Ngoài ra, Hội sẽ tổ chức một giải thưởng tôn vinh những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực CNTT-TT.
Nhận xét về các hoạt động của VDCA trong thời gian qua, nhà báo Nguyễn Lương Phán – nguyên Phó Tổng biên tập báo Dân Trí – nói rằng ông là người đã tham gia VDCA từ những ngày đầu. Ông vui mừng khi chứng kiến quá trình phát triển lớn mạnh của Hội và cho rằng những quyết sách của Hội đưa ra rất đúng đắn, các hoạt động của Hội rất thiết thực, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lương Phán cũng cho rằng các hoạt động của Hội chưa được phản ánh đậm nét trên website VDCA. Do đó, cần tăng cường nhân lực cho website. Hội cũng cần đầu tư thêm cho Tạp chí điện tử VietTimes vì tờ tạp chí cũng được coi là “mặt tiền” của Hội. Ông đề xuất Hội cần đồng hành với các tổ chức, doanh nghiệp lớn và tin tưởng mục tiêu mà Hội đề ra sẽ thành công.
Ông Lê Quốc Anh – Tổng giám đốc VnPost – nhận xét rằng VDCA là một Hội thực sự mạnh về chuyên môn. Hội đã tập hợp được các doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông cũng như các đơn vị lớn.
Ông Lê Quốc Anh đề xuất tăng cường thông tin của Hội trên các kênh truyền thông xã hội, chẳng hạn như tạo podcast trên YouTube. Ông cũng đề xuất các thành viên của Hội tăng cường sinh hoạt chéo để chia sẻ với nhau các giải pháp.
Ông Hoàng Đình Chung – Giám đốc Trung tâm Bản quyền số – đã giới thiệu cho các thành viên VDCA tham gia hệ sinh thái bản quyền số. Đây là hệ sinh thái có sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực công nghệ số, các giải pháp phân phối, bảo vệ bản quyền, các kênh truyền thông. Ông Chung cho biết thêm, vào ngày 24/5 tới, VDCA sẽ phối hợp với Hội nhà báo Việt nam và báo Đại biểu nhân dân tổ chức Hội thảo Bảo vệ bản quyền báo chí. Hội thảo có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị báo chí và các đơn vị phân phối nội dung.
Chia sẻ tại cuộc họp, bà Phạm Thị Quyên – Phó Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số – cho biết thời gian qua, với sự hỗ trợ của VDCA, Liên minh đã tổ chức được một số sự kiện có ý nghĩa như Techtour; chia sẻ về bản quyền nội dung số, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức hội thảo về thị trường nước ngoài cũng như chính sách thuế đối với doanh nghiệp nội dung số.
Ông Nguyễn Nghĩa Vượng – CEO Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook – nói rằng Công ty nhận thấy có rất nhiều cơ hội hợp tác với các thành viên của VDCA, trong đó có tạp chí VietTimes và Trung tâm Bản quyền số. Vibook sẽ cùng VietTimes tuyên truyền về về nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Về bản quyền số, Vibook sẽ liên hệ với Trung tâm Bản quyền số để có các gói hỗ trợ cung cấp các chứng nhận, chứng chỉ số cho doanh nghiệp tham gia “chợ điện tử” cũng như chứng nhận các ý tưởng của sinh viên, xin đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền cho các ý tưởng đó, giúp sinh viên liên kết với các đơn vị đầu tư.
Ông Võ Thanh Mỹ – Chi hội trưởng Chi hội Truyền thông số phía Nam – cho biết năm 2023 Chi hội sẽ tổ chức một số chương trình hội thảo về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp phía Nam. Ngoài ra, Chi hội cũng sẽ tổ chức các chương trình kết nối, giao lưu hội viên giống như mô hình TechTour đã được triển khai ở phía Bắc.
Ông Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số hy vọng Viện sẽ được tham gia trong nhiều hoạt động của Hội nhằm đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của kinh tế xã hội của Việt Nam.
Cũng trong sự kiện này, VDCA đã kết nạp thêm 7 Hội viên cao cấp và 15 Hội viên tập thể.
7 Hội viên cao cấp bao gồm: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt nam (PVcombank), Công ty TNHH công nghệ gia đình, Công ty cổ phần công nghệ VMO Holding, Công ty tập đoàn truyền thông Tri Ân, Công ty cổ phần tập đoàn Meeyland, Công ty cổ phần truyền thông Trạm đọc, Công ty TNHH China Telecom Information.
15 Hội viên tập thể là: Công ty TNHH Học viện Đào tạo Hoạt hình quốc tế Sconnect, Công ty TNHH Truyền thông và giải trí thế giới Wolfoo, Công ty TNHH truyền thông và giải trí WOA Media, Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ WOA Universal, Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ truyền thông và giải trí Ant Group, Công ty cổ phần bản quyền âm nhạc trực tuyến, Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam, Công ty cổ phần COMARTEK, Công ty cổ phần HTC Viễn thông quốc tế, Công ty cổ phần TMGS Việt Nam, Công ty cổ phần VIETISO, Công ty cổ phần KPIM, Công ty cổ phần truyền thông VMG, Công ty cổ phần ứng dụng và dịch vụ công nghệ cao ASTEC, Công ty cổ phần công nghệ VVN AI, Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ kỹ thuật số Vibook Việt Nam.
Là đơn vị được kết nạp vào VDCA lần này, Công ty cổ phần HTC Viễn thông quốc tế là 1 trong 5 đơn vị top đầu Việt Nam về cung cấp hệ thống DC/DR (Data Center/Disaster Recovery) và đường trục Bắc Nam, với 12.000 km2 kênh truyền dẫn, 7 đường quốc tế. Ông Thái Huỳnh Nghĩa, Giám đốc khối chuyển đổi số của công ty nói rằng được tham dự vào VDCA là một vinh dự. Ông nhận thấy Hội rất uy tín và có những chương trình hoạt động rất thiết thực. Trong thời gian tới, Công ty cổ phần HTC Viễn thông quốc tế sẽ phối hợp Hội để tổ chức các chương trình về chuyển đổi số và hạ tầng số.
PVcombank trong 3 năm gần đây đã hướng tới chuyển đổi số khá mạnh mẽ bằng cách thành lập ra các bộ phận chuyên trách, nhằm tạo ra các quy trình chuyên môn cũng như dịch vụ khách hàng có chất lượng tốt hơn. PVcombank muốn tham gia các Hội, đặc biệt là các Hội có uy tín về chuyển đổi số, để cùng đồng hành và phát triển. Trong thời gian tới, với tư cách là một hội viên cao cấp, PVcombank sẽ triển khai một số chương trình hỗ trợ các Hội viên của VDCA – ông Nguyễn Hải Bằng, chuyên viên cao cấp PVcombank cho biết.
( Nguồn: Tạp chí điện tử Vietimes).